Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018
Đậu đỏ – thực phẩm tuyệt vời dưỡng sắc, an thần, thông khí huyết
By Minh Dao at tháng 5 28, 2018
Nhiều thầy thuốc ví đậu đỏ như một “thần dược” cho sức khỏe của tim, giúp cơ thể thanh lọc độc tố, tiêu viêm. Với chị em phụ nữ, đậu đỏ là bảo bối để giảm cân an toàn và bổ dưỡng thần sắc, an thai thông sữa.
Theo Đông y, xích tiểu đậu vị ngọt chua, tính bình, vào 2 kinh tâm và tiểu tràng có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, tiêu sưng tấy, rút mủ, cầm máu. Chủ trị phù thũng, nhiệt miệng, mẩn ngứa, mụn nhọt, mề đay, bệnh ngoài da, chữa suy nhược cơ thể, tốt cho phụ nữ mang thai, giúp tiêu phù, lợi tiểu tiện… Các thầy thuốc vẫn dùng đậu đỏ trong các bài thuốc bồi bổ cho cơ, bổ tỳ (lá lách), hỗ trợ dạ dày, loại trừ bệnh lạnh trong, bài tiết mủ, thông sữa cho bà bầu…
Nhìn từ góc độ y học hiện đại, đậu đỏ rất giàu chất chống oxy hóa, sắt và nhiều vitamin nhóm B (B1, B6), chất xơ. Ngoài việc dùng chế biến các món ăn bổ máu, bổ tim, đậu đỏ còn có tác dụng làm đẹp rất hiệu nghiệm.
Dưới đây là một số công dụng và cách dùng phổ biến của đậu đỏ.
1. Dưỡng tim bổ huyết
Thời xưa Lý Thời Trân gọi đậu đỏ là “ngũ cốc của tim,” để nhấn mạnh công dụng dưỡng tim của đậu đỏ. Đậu đỏ vừa có thể chữa bệnh Tâm Hỏa (Đông y chỉ chứng bệnh lòng phiền, miệng khát, mạch nhanh, đầu nhức), cũng có thể cải thiện chức năng hoạt động của tim. Trong đậu đỏ cũng chứa rất nhiều chất sắt, giúp hành khí bổ huyết, rất thích hợp cho tim huyết, giúp cho chân tay không còn bị lạnh vào mùa đông.
2. Tốt cho tỳ vị
Đậu đỏ giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, hấp thụ của tỳ vị. Do đó người nào có thể trạng suy yếu thì mùa đông nên bồi bổ cho cơ thể, dự trữ tốt dinh dưỡng cho mùa đông. Thì năm sau mới có sinh lực, khỏe mạnh và không xuất hiện bệnh tật.
3. Trị bệnh phù
Trong đậu đỏ có chứa rất nhiều kali, ngoài ra ở lớp vỏ của đậu đỏ có chứa saponin có tác dụng lợi tiểu rất hiệu quả. Đậu đỏ có tác dụng rất tốt giúp cải thiện chức năng thận. Chức năng thận suy yếu là nguyên nhân chính khiến cho mặt và chân bị phù, do đó để chữa bệnh phù thũng thì đậu đỏ là lựa chọn tối ưu.
4. Trừ bỏ bệnh lạnh trong và giải nhiệt
Đối với người có cơ thể bị lạnh, dịch nước không thể lưu thông cùng khí huyết, mà ngưng lại ở trong tế bào cơ thể, khiến cho cơ thể bị trướng lên. Mà trong đậu đỏ có chứa rất nhiều vitamin B, chất sắt, protein, chất béo, đường, canxi, niacin… Giúp lợi tiểu thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể.
Có thể dùng đậu đỏ riêng lẻ một mình hoặc kết hợp đậu đỏ với các thực phẩm, vị thuốc trong các trường hợp sau:
1. Trị viêm thận cấp tính
Đậu đỏ 60g, cá chép 1 con, bí đao 500g, hành hoa. Chế biến thành món canh cá chép đậu đỏ rồi ăn cả nước lẫn cái. Ăn nóng, ngày ăn 1 lần, ăn liên tục 5-7 ngày.
2. Trị phù thũng, tiểu tiện không thông
Đậu đỏ 30g, hạt bo bo 30g, gạo tẻ 50g. Đậu đỏ ngâm mềm nấu trước, rồi cho gạo tẻ, hạt bo bo vào nấu nhừ, thêm đường. Ăn trong ngày.
3. Thuốc thanh nhiệt, lợi thủy, tĩnh tâm, an thần
Đậu đỏ 30g, đảng sâm 8g, đương quy 8g, tim lợn 1 quả, nấm hương vừa đủ. Tất cả hầm mềm, ăn cái, uống nước.
4. Trị viêm tiểu cầu thận
Đậu đỏ 90g, râu ngô 60g, táo đỏ 10g, thêm đường vừa đủ. Nấu nước uống trong ngày (thời gian điều trị từ 1 – 3 tháng).
5. Trị tiểu đường, mẩn ngứa, mụn nhọt
Đậu đỏ 50g, bí đao 1kg. Đậu đỏ nấu trước với nước cho mềm, bí đao cho vào sau. Ăn cái, uống nước.
6. Bổ khí huyết, kiện tỳ ích vị, tăng cường sức khỏe
Đậu đỏ 30g, chim cút 2 con, gừng tươi 3 lát. Hầm mềm, nêm gia vị, ăn nóng.
7. Trà đậu đỏ bí đao giảm béo
Nguyên liệu: Đậu đỏ 200g, bí đao 100g, một ít muối.
Trước tiên ngâm đậu đỏ trong nước 30 phút, sau đó đun sôi trong khoảng 1 lít nước. Lấy bí đao cắt nhỏ (hình tăm), sau đó đun cùng đậu đỏ khoảng 30 phút, cho đến khi đậu đỏ chín là được. Sau đó ngâm khoảng 10 phút, cho thêm ít muối. Bạn có thể uống sau mỗi bữa ăn, và nên duy trì ít nhất 2 tuần.
Nước đậu đỏ và bí đao có tác dụng chữa bệnh phù thũng hiệu quả, là phương thức giảm béo phù hợp cho mọi lứa tuổi, mọi giới tính. Cũng là phương thức giảm béo an toàn hiệu quả, không có tác dụng phụ.