Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm gây nên (thường là do các chủng cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C). Tại Việt Nam, cúm xuất hiện quanh năm nhưng thường tăng cao hơn vào mùa đông xuân.
Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, từ các giọt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc thậm chí là tiếp xúc với các đồ vật nhiễm mầm bệnh…
Hãy tưởng tượng khi một người bị cúm, anh ta sẽ gieo rắc những con virus khắp nơi, từ quán cà phê, trên xe bus và trong thang máy. Ai đó khác có thể vô tình nhiễm virus và mang nó về nhà hoặc tới văn phòng làm việc.
Ở các nước nhiệt đới như Việt Nam, không khí ẩm ướt của mùa xuân dễ bắt virus trôi nổi trong không khí, khiến chúng bám vào các bề mặt trong nhà. Đây là điều kiện thuận lợi cho phép bạn phòng tránh lây nhiễm cúm qua đường không khí.
Nhưng ngược lại, nó cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm gián tiếp qua các bề mặt nhiễm mầm bệnh. Nếu không kịp thời quét sạch virus, chúng vẫn có thể khiến cho một nửa số đồng nghiệp hoặc cả gia đình bạn bị lây nhiễm.
Vậy làm thế nào để “dội những quả bom nguyên tử” xuống thế giới của những con virus cúm đang xâm chiếm văn phòng và ngôi nhà của bạn?
Mùa xuân là thời điểm quét sạch virus cúm ra khỏi nhà, hãy làm theo quy trình 4 bước này
Cách tốt nhất là làm theo một quy trình được gọi là Phòng chống và kiểm soát lây nhiễm. Nó đã được sử dụng và tỏ ra khá hiệu quả trong môi trường bệnh viện suốt nhiều thập kỷ. Lí do tại sao bạn thấy các bác sĩ tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân và mầm bệnh mà không bị ốm: Bởi họ có một quy trình phòng chống và kiểm soát lây nhiễm.
Bây giờ, tất cả những gì bạn cần làm là thay đổi tư duy: Bạn phải xem ngôi nhà hoặc văn phòng của mình giống như một bệnh viện. Sau đó, bằng cách làm theo một vài bước đơn giản, bạn có thể giảm nguy cơ lây virus cúm cho chính mình, người thân và đồng nghiệp:
1. Tránh chạm tay lên mặt
Bước đầu tiên trong quy trình phòng ngừa và kiểm soát mầm bệnh là xác định cách chúng lây lan. Đối với bệnh cúm, có hai con đường lây lan chính. Thứ nhất là truyền trực tiếp từ người này sang người khác, thông qua dịch cơ thể (nước miếng hoặc nước mũi) khi họ ho, hắt hơi và để lại trong không khí.
Con đường thứ hai là lây truyền gián tiếp, trong đó, chúng ta chạm vào những bề mặt, đồ đạc chứa virus của người bệnh để lại. Sau đó, virus dính trên tay có thể lây nhiễm vào đường hô hấp bởi một bản năng tự nhiên của con người: Chúng ta rất hay chạm tay vào mặt mình, vì đủ mọi nguyên nhân khác nhau như dụi mắt, gãi ngứa, ngoáy mũi, bóp trán…
Bởi vậy, hạn chế chạm tay lên mặt có thể là một chiến lược đầu tiên để ngăn ngừa bệnh cúm. Theo một nghiên cứu, trong 1 giờ, một người trung bình sẽ chạm tay lên mặt mình 23 lần. Trong số đó, 44% các cú chạm tay này mang theo chất nhầy cơ thể (nước mũi, nước miếng, nước mắt...). Một con đường lây lan bệnh cúm mà nhiều người đã bỏ qua chính là những cú chạm tay lên mặt
2. Hơi nước có thể tiêu diệt virus cúm
Bước tiếp theo sau khi đã hiểu được các con đường lây nhiễm của virus cúm, đó là tìm ra các phương pháp để ngăn ngừa hoặc kiểm soát chúng.
Đối với con đường lây nhiễm trực tiếp, cách tốt nhất để ngăn chặn nó là cách ly người mắc cúm với người khỏe mạnh. Nhưng không giống như trong bệnh viện, biện pháp cách ly thường là không thể hoặc khó thực hiện ở môi trường gia đình hoặc cơ quan.
Lựa chọn duy nhất là làm giảm khả năng lây bệnh nhiễm virus gián tiếp từ các bề mặt. Quy trình này trong bệnh viện gọi là khử trùng.
Khử trùng khác với làm sạch thông thường, vì nó được thiết kế để diệt các loại vi khuẩn nhất định. Trong bệnh viện, các chất khử trùng được quy định và chấp thuận bởi cơ quan chính phủ. Tuy nhiên, các sản phẩm tiêu dùng cho gia đình hoặc văn phòng thì không cần thiết, thậm chí, chúng nhiều khi vô dụng với vi khuẩn.
Rất may, các chất tẩy rửa thông thường vẫn có thể giết chết virus cúm. Bạn có thể dùng thuốc tẩy pha loãng hoặc hydrogen peroxide (nước oxy già) để lau các bề mặt. Trong trường hợp không muốn sử dụng hóa chất, virus cúm cũng có thể bị giết chết bởi hơi nước, bằng cách làm biến dạng bề mặt của chúng. Bạn có thể lau các bề mặt bằng nước ấm nóng.
3. Liệt kê các bề mặt cần làm sạch
Sau khi chọn được vũ khí là các chất tẩy rửa, bước cuối cùng là xác định bề mặt cần làm sạch, những nơi mà virus đóng quân và trú ngụ. Đó là các vật dụng, đồ đạc và bề mặt mà con người hay chạm vào nhất.
Trong bệnh viện, chúng bao gồm thành giường bệnh, bàn và xe đẩy… Trong nhà là tay nắm tủ lạnh, lò vi sóng, vòi nước, công tắc đèn, núm cửa, nhà vệ sinh… Ở văn phòng làm việc, đó là bàn làm việc, chuột, bàn phím máy tính, nút ấn thang máy…
Tất cả những bề mặt này là trung gian lây nhiễm virus chính và cần được lau chùi thường xuyên. Tất nhiên, thường xuyên là một thuật ngữ tùy ý. Để biết được mức độ thường xuyên để khử trùng, bạn cần phải hiểu được khả năng sống sót của mầm bệnh trong môi trường.
Các thí nghiệm với virus cúm tiết lộ, chúng có thể tồn tại trên các bề mặt cứng trong vòng 24 giờ. Điều đó có nghĩa là khoảng mỗi ngày 1 lần, bạn nên lau dọn các bề mặt này nếu một người trong nhà hoặc ở công ty đang có các triệu chứng của cảm cúm.
Một lưu ý nữa, theo lý thuyết, khăn trải giường, khăn tắm cũng có thể lây truyền cúm. Nhưng thực tế là virus cúm chỉ có thể sống vài phút trên các bề mặt mềm. Bởi vậy, dường như bạn không cần mất thời gian giặt giũ khăn mặt hay thay ga giường hàng ngày nếu sống chung với người bị cúm.
4. Rửa tay thường xuyên
Về mặt lý tưởng, các biện pháp nói trên có thể giúp bạn quét sạch virus cúm ra khỏi nhà mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thời gian để lau dọn khắp nhà suốt ngày. Đó là lý do tại sao khử trùng bề mặt phải được bổ sung với việc rửa tay thường xuyên.
Sau khi tiếp xúc với bất kỳ bề mặt nào nghi ngờ có virus cúm từ người khác để lại, bạn nên rửa tay. Khi rửa tay, bạn nên lưu ý khoảng thời gian chứ không phải loại xà phòng là thứ có tính chất quyết định với virus cúm.
Xà phòng diệt khuẩn không diệt virus cúm, bởi vậy, bạn có thể chọn rửa thay bằng xà phòng thường cũng có tác dụng như nhau. Đa phần, chúng sẽ rửa trôi virus và các mầm bệnh khác nhiều hơn là tiêu diệt chúng.
Đảm bảo rằng bạn rửa tay đúng cách, chà xát hơn 20 giây và lau khô tay sau khi rửa. Trong trường hợp không có bồn rửa, bạn có thể sử dụng nước rửa tay chứa cồn, với nồng độ ethanol từ 62% đến 70%, miễn là bạn phải chà xát trong ít nhất 15-20 giây.
Khi được thực hiện đúng chiến lược kể trên, sự kết hợp giữa rửa tay thường xuyên và lau dọn khử trùng bề mặt sẽ giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh cúm, giúp bạn quét sạch chúng khỏi nhà và văn phòng làm việc.
Thực ra, quy trình 4 bước này cũng có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của các mầm bệnh khác, như cảm lạnh, nhiễm trùng da và các vi khuẩn đường tiêu hóa.